[Cám dỗ] 9-7-1898

 

Ngày 9 tháng 7 năm 1898

 

Hôm nay vốn dĩ tôi phải lên nhà dòng và cầu nguyện cho các thầy được lãnh nhận chức linh mục. Thế nhưng vì những lý do cá nhân, tôi đã bỏ lại điều nên làm ấy mà dành thời gian ở lại thư viện để biên soạn tất cả những hồi ức xa xăm của bản thân.

 

Có lẽ nên bắt đầu từ việc tôi là một đứa con lai giữa hai dòng máu Âu, Á.

 

Cha tôi là một nhà quý tộc, ông được lãnh nhận tước hiệu hiệp sĩ của đức vua khi còn rất trẻ. Nhưng không như các nhà quý tộc thời bấy giờ thường sẽ dùng thời gian để du ngoạn khắp nơi, lấy lý do để mở mang kiến thức nhưng thật tế đó chính là để cho cuộc sống của họ bớt đi phần nào nhàm chán. Ông lao đầu vào công việc nghiên cứu y khoa, và khi Pháp quốc vừa cử đoàn quân viễn chinh đầu tiên sang các nước Đông Dương, ông đã theo chân đoàn quân ấy nhằm thực hiện ý định về việc chữa trị tận gốc các căn bệnh nhiệt đới mà ông chỉ được học qua sách vở.

 

Lúc bấy giờ đang là mùa dịch bệnh hoành hành khắp nơi, ông đã đến thăm khám và phát thuốc miễn phí cho từng hộ gia đình. Vào một dịp tình cờ ông đã quen với nàng thiếu nữ địa phương với cái tên thật đẹp, Maria Nguyễn Thị Út, người đã trở thành vợ ông sau này. Nàng thiếu nữ ấy là người con thứ mười của một gia đình địa chủ trong vùng. Hành động với nghĩa cử cao thượng ấy đã được vị đại tướng người Pháp đương quyền hết lòng ủng hộ. Nhưng sự thật đằng sau ấy là vì đại tướng cho rằng cha tôi sẽ giúp ông ta thu thập những thông tin từ người dân nơi vùng đất thuộc địa. Nhưng tiếc rằng tất cả dự tính của ông ta đều không thể thực hiện được, vì ngoài việc khám chữa bệnh và phát thuốc thì cha tôi không còn quan tâm gì đến những vấn đề khác nữa.

 

Đa phần người Châu Á khi thấy cha tôi đều tỏ vẻ lo sợ hoặc khinh ghét. Duy chỉ có người thiếu nữ mà cha đem lòng yêu là không như vậy. Người con gái ấy hiểu ông và chấp nhận việc lấy một người đàn ông với cả ngoại hình lẫn tiếng nói đều xa lạ. May mắn thay thân mẫu của tôi lúc sinh thời đã được học những kiến thức phổ thông với một gia sư. Tuy bà nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ xa lạ không giỏi, nhưng có thể hiểu được ý của đối phương muốn gì. Thời bấy giờ chuộng nhất là việc các nàng tiểu thư biết nói vài câu tiếng Pháp, vì thế nên gia đình đã không tiếc tiền để bà học được thứ ngôn ngữ xa lạ này.

 

Với vốn kiến thức có thể cho là phong phú tại một nước thuộc địa, quý cô Maria đã không khó cho việc tìm kiếm một đức lang quân như ý. Tuy nhiên bà đã không vâng lời cha mẹ mà nhất định nguyện ý theo cha tôi trở về Pháp quốc mà cử hành hôn lễ.

 

Về phần cha tôi, vốn ông đã kháng lại mệnh lệnh của gia tộc mà quyết chí đeo đuổi con đường nghiên cứu y học đầy rủi ro cũng không kém phần nguy hiểm ấy. Làm sao các bậc trưởng bối có thể chấp nhận cho vị công tử duy nhất kế thừa gia sản của dòng tộc lại phải tiếp xúc với các bệnh nhân cùng những vết thương lở loét, với ánh mắt ngây dại hay với những mùi hôi hám từ những khối thịt đã rửa nát… Thân phụ đã chấp nhận việc bị đóng băng toàn bộ số gia sản khổng lồ của mình để sống như một người lao động cùng khổ hòng để thực hiện được mơ ước vĩ đại ấy.

 

Tưởng chừng việc kháng lệnh ấy đã đi quá xa rồi, nào ngờ việc thân phụ sau chuyến đi từ các nước Đông Dương trở về lại dắt thêm một người phụ nữ Châu Á và đưa nàng vào nhà thờ làm lễ hôn phối. Hành động liều lĩnh của ông như giáng một cú đấm thật mạnh vào bộ mặt kênh kiệu của giới quý tộc thời bấy giờ. Kết quả hiển nhiên ai cũng dễ dàng đoán được, việc thân phụ chính thức bị tước đi danh hiệu quý tộc và bị đuổi khỏi dòng họ. Án lệnh ấy là vĩnh viễn…

 

Không biết trước lúc cha trút đi hơi thở cuối cùng đã từng có giây phút nào hối hận vì những quyết định của tuổi trẻ hay không?

 

Tôi tự mình trầm tư suy gẫm. Có lẽ là không đâu. Vì tình yêu mà ông dành cho thân mẫu tôi là vô tận. Nếu như nói mặt trời sẽ còn tồn tại mãi mãi cho đến ngày Chúa Giêsu lại đến trần gian lần thứ hai, thì tình yêu mà ông dành cho bà cũng như vậy.

 

Năm mười sáu tuổi bà theo ông về Pháp quốc, một đất nước xa lạ mà bà chỉ được nghe kể, hoặc đã từng biết qua những trang tiểu thuyết. Thế nhưng bà vẫn lựa chọn việc đi theo ông để bắt đầu một cuộc sống mới tại nơi mà tất cả đối với bà đều xa lạ. Không người thân, không bạn bè, và nhất là không cùng ngôn ngữ. Chính tôi cũng không rõ bà đã sống ra sao trong những năm đầu mới bước chân đến thủ đô hoa lệ này.

 

Bà sanh tôi vào năm mười tám tuổi. Từ khi tôi chào đời bà đã ru tôi ngủ bằng những bài hát lạ lẫm mà chính tôi sau này cũng không hiểu bà đang muốn diễn đạt điều gì. Bà ít khi nói chuyện cùng tôi. Có lẽ vì tôi chỉ biết tiếng Pháp, còn bà thì không thể trao đổi nhiều được. Tôi nhớ bà rất hay trầm tư một mình, ánh mắt bà lúc nào cũng dịu dàng khi nhìn ngắm mọi thứ xung quanh. Bà rất hay cười mỗi khi cha tôi về và thói quen của bà là đặt lên trán tôi một nụ hôn thay cho lời chúc ngon giấc. Ấn tượng của tôi về bà không sâu vì khoảng thời gian được ở cùng bà đều bị cha tôi giữ lấy. Cha thích bế bà và xoay vòng như bế một đứa trẻ. Tình yêu của họ thật đẹp. Chỉ tiếc họ chưa thể hưởng trọn vẹn hạnh phúc thì bà đã ra đi. Trên bia mộ đề “Hưởng dương ba mươi tuổi” như một nhát dao chí mạng đâm vào tâm hồn của cha tôi. Có lẽ đến trọn cuộc đời, bà vẫn mãi là một cánh chim bé bỏng mà cha tôi luôn ấp ủ, che chở.

 

Sau ngày mẹ tôi mất có rất nhiều vị thiên kim tiểu thư đến ngỏ lời cùng cha nhưng ông đều từ chối thẳng. Họ nghĩ rằng một bác sĩ nghèo sống giữa thủ đô hoa lệ Paris không thể nào không kiếm một cô vợ quý tộc hòng lấy lại được một mớ tài sản. Thật tiếc vì họ đã cho rằng thân phụ tôi là loại đàn ông rẻ tiền và vô đạo đức như vậy.

 

Dù bị hiểu lầm nhưng cha tôi vẫn không một lời biện giải cho bản thân. Những người phụ nữ quý tộc đó vẫn cố tình sà vào lòng ông mỗi khi ông đến khám cho họ. Có thể chỉ là vui đùa, hoặc giả họ đang muốn được trải nghiệm cảm giác mạo hiểm đầy kích thích của một mối tình vụng trộm.

 

Tất cả những người đàn ông quý tộc thời bấy giờ đều rất lịch lãm, phong độ và rất tuân theo quy tắc. Họ không muốn phá vỡ những luật lệ chung dành cho nam giới, rằng phụ nữ là loài vật dễ xúc động, đa cảm, sâu sắc và cần có bàn tay đàn ông che chở.

 

Nhưng còn cha tôi, ông khuyến khích các bà tìm lấy một thú vui cho cuộc sống, nếu như việc cắm hoa, làm bánh không đủ sức hấp dẫn thì hãy đi tìm những cuốn sách khoa học về để nghiên cứu. Hiển nhiên lúc đầu các bà đều tỏ vẻ bị xúc phạm và cho rằng điều đó nằm ngoài khả năng của mình, rằng mớ kiến thức ấy sẽ làm đầu các bà nổ tung. Thế nhưng sau khi đọc nó thì các bà liền cảm thấy hãnh diện vì cho rằng mình đã làm nên những việc phi thường. Nếu nói tất cả phần lỗi đều thuộc về họ thì đã quá bất công rồi, vì chính cha tôi đã đem đến cho họ một thứ cảm giác kích thích mà không một quý ông nào có thể đem lại được. Nó tựa hồ như thứ trái cấm độc hại dù biết là sẽ chết nhưng nguyên tổ Eva vẫn muốn nếm thử.

 

Những người phụ nữ đang nấn ná giữa những lề thói cũ và những cải tiến mới lúc nào cũng muốn dựa dẫm vào cha tôi. Họ cần tìm một lời động viên, một nụ cười và một một cái choàng vai thân thiện. Không có cử chỉ hào hiệp nào có thể sánh bằng việc một người đàn ông chịu chia sẻ kiến thức của mình với phụ nữ. Và cha tôi hiển nhiên đã làm được điều đó. Nhưng ông không nghĩ việc làm của mình sẽ khiến những người phụ nữ như những con chim non mới rời khỏi vỏ ấy liên tục đeo bám lấy ông.

 

Tuy có thể sa chân vào một cuộc tình mới, thế nhưng ông chẳng bao giờ chấp nhận một hình bóng nào khác nữa ngoại trừ người phụ nữ đã đứng tại nhà thờ và làm lễ cùng ông. Người phụ nữ duy nhất mà ông yêu thương trên thế gian này. Có lẽ cái chết vì bệnh lao phổi đối với ông là một sự giải thoát chăng? Vì cả ngày lẫn đêm ông đều mong muốn được sớm gặp người yêu dấu của mình tại thiên đàng, nơi mà ông biết bà vẫn luôn giang rộng đôi cánh mà chờ đợi ông.

 

Vâng, trong ý nghĩ của ông thì bà mãi mãi là một thiên thần mà Thượng Đế đã rộng tay ban tặng cho ông.

 

Nghĩ đến đây trong tâm trí hỗn độn không còn rõ đâu là quá khứ đâu là hiện tại, bỗng một giọt nước lại rơi xuống, vỡ òa ngay trên trang sách của tôi. Tôi vội lau nó đi nhằm tránh để vết mực in bị nhòe.

 

Lại nói tiếp về chuyện cũ.

 

Tôi chính thức trở thành cô nhi năm mười tám tuổi. Nhưng may mắn do các mối quen biết từ người cha quá cố nên tôi đã được nhận vào một trường đại học tư nhân do chính các thầy thuộc dòng tu Saint Paul hỗ trợ. Người cha quá cố mong muốn tôi sẽ theo bước ông mà trở thành một nhà nghiên cứu y khoa hoặc là một học giả chuyên điều trị những căn bệnh lạ. Thế nhưng bằng khả năng và thiên chất của mình đã không cho phép tôi thực hiện mơ ước ấy, thế nên tôi đã đăng ký vào ngành luật.

 

Có lẽ cha và mẹ trên trời cũng không trách đứa con ngỗ nghịch này phải không? Vì con nghĩ luật sư cũng không đến nỗi quá tệ so với ước mơ ban đầu mà cha đã kỳ vọng.

 

Mọi chuyện có lẽ sẽ vẫn bình thản trôi đi nếu như tôi không nhận được thư triệu hồi từ dòng tộc. Ông nội tôi sau hai năm mới nhận được tin rằng người con trai duy nhất của ông đã từ trần vì căn bệnh mà hồi còn sống người đã hết lòng nghiên cứu và chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân xấu số. Ông tôi vì quá đau buồn nên đã khiến căn bệnh đau tim của mình càng lúc càng trầm trọng. Có lẽ khi đã lớn tuổi điều mà ông mong muốn nhất chính là sự hiện diện của những thành viên trong gia đình. Thế nhưng trong suốt hai mươi năm ròng thì tòa lâu đài nguy nga ấy chỉ có một mình ông làm chủ cùng những người hầu cận trung thành luôn ở cạnh bên chăm sóc ông.

 

Lá thư được gửi đến từ lâu đài Kensington thuộc vùng lân cận thủ đô Luân Đôn, tại đây, ông đã chọn để an hưởng tuổi già, ông đã cho chuyển dọn tất cả mọi gia sản hiện kim có thể mang đi được đến một nơi có thể khiến ông không phải đau lòng khi nghĩ đến đứa con trai của mình.

 

“Michael mến, con biết không? Như một định luật của đấng tạo hóa, khi đã đủ khôn ngoan và nhận thức được rằng sinh mệnh con người là hư không thì bỗng chốc con người ta sẽ trở nên thay đổi. Họ nhút nhát hơn và không còn ý định tranh đoạt mọi thứ cùng người khác nữa…”

 

Lời trong thư ông còn nói muốn được tận hưởng bầu không khí đầy sương mù lẫn trong tiếng kèn túi dân dã tại chốn làng quê Luân Đôn, nơi mà sự yên bình ngự trị trên hết.

 

“Ta hết lòng mong mỏi cháu sẽ đến gặp ta trước lúc ta xuôi tay bỏ cuộc bởi những gì số mạng đã sắp đặt…”

 

Tôi đã sớm hồi âm và cho biết rằng tôi sẽ đến Luân Đôn trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện tại tôi còn phải sắp xếp việc học cùng các thầy dòng cũng như việc chuyển nhượng một số tài sản của cha tôi cho viện nghiên cứu khoa học Paris. Có lẽ một chuyến đi xa sẽ giúp tinh thần của tôi khuây khỏa hơn chăng?

 

 

Choco: Hix 17 này Choco phải nộp luận văn rùi… Vậy nên, hehe, mọi người chịu khó chờ cho xong tháng 8 mới có chương mới đọc nha. Chưa biết là chương mới của truyện nào, nhưng ta hứa sẽ cho NK2 một kết thúc thật hoàn hảo.