Từ khi trăng là nguyệt

0
(0)

Cánh đồng xanh thẳm trải dài trước mắt tôi. Hương lúa từ hai bên tỏa ra ngào ngạt. Ánh hoàng hôn buông xuống làm đỏ cả một vùng trời. Cuộc sống hối hả nơi thị thành như khép lại phía sau tôi. Đâu đó có những đứa trẻ đang thả diều. Những chiếc diều giấy đơn sơ do tự tay chúng tạo ra đang ngạo nghễ bay lượn trên trời như những nét điểm xuyến cho khung cảnh thêm thơ mộng.
Có lẽ đây là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà chỉ có quê tôi mới được chăng?
“Thật đẹp quá!” Tôi nhìn ra đằng xa để có thể thấy rõ gương mặt của những đứa trẻ đang chơi thả diều ấy. Thì ra là 2 thằng nhóc. Chúng có vẻ trạc tuổi nhau và hình như chúng đang rất vui thì phải. Nhìn nét mặt ngây ngô của chúng, tôi lại nhớ đến cậu. Chuyện cũng đã lâu rồi nhỉ! Kể từ cái ngày tôi dọn đi khỏi nơi làng quê thanh bình này.

12 năm về trước.

– Tèo, mày không có lồng đèn à?
– Không có. Thì đã sao nào?

Thằng bé con ấy ngước mặt nhìn về phía bạn của nó với một ánh mắt như muốn gây sự. Thằng nhóc kia thì rất từ tốn.

– Hay mày chơi chung với tao hen.
– Không cần. Tao ghét nhất mấy thứ lồng đèn màu mè của Trung Quốc lắm. Tao không đi rước đèn với mày đâu. Tao về đây.
– Tèo.

Tèo bỏ đi một nước không thèm nhìn lại. Nó làm thằng Bo phải khó xử. Bo biết nhà Tèo nghèo lắm. Ba nó lại mới mất cách đây không lâu. Thật lòng mà nói trung thu năm nay cả nhà nó phải ăn toàn khoai luộc. Bo thương bạn lắm chứ. Nhưng nó không thể nào đem những chiếc bánh thập cẩm đắt tiền lại cho bạn được. Vì nó biết là Tèo sẽ không nhận đâu và thậm chí còn nghỉ chơi nó nữa. Nó muốn rủ Tèo hôm nay đi rước đèn tại khu đất gần nhà thờ. Khu ấy hôm nay có tổ chức lễ cho thiếu nhi vui chơi và còn phát bánh kẹo miễn phí nữa. Nhưng có vẻ như kế hoạch của nó đã thất bại rồi. Mà còn là thất bại thảm hại nữa.

– Tèo mở cửa cho tao vô.
– Mày làm gì đến nhà tao giờ này? Biết mấy giờ rồi không?
– Biết. Thì tối nay tao đã xin phép ngủ qua đêm tại nhà mày rồi mà. Mở cửa cho tao.

– Rồi vô đi ông. Cầm theo gì đó?
– Tao mới đi đến khu đất trống. Người ta phát bánh kẹo nhiều quá chừng luôn. Tao lấy về đây cho mày nè.
– Đã vậy?
– Biết mày không thích đi nên tao phải lết xác đi dùm mày đó.
– Biết rồi. Chút tao lấy chè ra cho mày ăn. Tao mới nấu.
– Mày giỏi thật đó. Cái gì cũng biết làm.
– Tao mà mày. Tao không làm còn ai làm cho tao?

Nó thấy trong mắt thằng bạn nó dường như đang có những giọt nước. Nó vội lảng sang chuyện khác. Nó chép miệng.

– Trăng đẹp quá mày hen.
– Trăng trung thu mà. Mày tin có chị Hằng không?
– Tin. Còn mày?
– Không. Nếu thật có chị Hằng vậy tại sao bao nhiêu điều ước của tao điều không thành hiện thực cả. Ba tao vẫn bị lao mà chết. Còn má tao thì nay lại còn phải buôn bán xa nhà hơn. Nhiều lúc tao chỉ muốn nghỉ học đi bán vé số phụ má tao.
– Mày không được làm vậy. Dì năm ráng đi làm cho mày được đi học. Mày ráng mà ăn học cho đàng hoàng để sau này còn phụ má mày được. Chứ giờ nghỉ học thì sau này mày sẽ làm gì?
– Thì làm thợ hồ như ba tao.
– Tao cấm mày có suy nghĩ đó. Ba má mày ráng lo cho mày ăn học mà mày nói vậy nghe được không?
– Mày nói chuyện cứ như người lớn á.
– Mệt mày quá. Nhưng cấm mày không được có ý định nghỉ học đó.
– Ừ. Nhưng khi tao không hiểu bài mày phải chỉ tao đó.
– Thằng khùng. Có khi nào tao không chỉ mày không?

Và rồi sau câu nói ấy nó đã bị thằng bạn thụi cho một quả vô bụng. Nó làm bộ ôm bụng lăn qua lăn lại. Vậy mà thằng bạn nó cũng tin. Lo chạy lại đỡ nó và hôn vào chỗ đau cho nó. À, cái này thằng Tèo học của ba nó. Mỗi lần nó bị đau ở đâu là ba nó hôn vào chỗ đó vì ba nó nói. “Hôn vậy sẽ hết đau ngay à. Khỏi cần đi thầy thuốc cho mắc công.”

“Công nhận thằng khùng này dễ bị gạt thật.” Nó cười thầm trong đầu.

Thời gian cứ dần trôi đi. Chúng nó lớn lên bên nhau. Có những lúc chúng giận nhau đến không thèm nhìn mặt đối phương. Nhưng rồi nó lại chạy sang làm huề trước với thằng Tèo. Khi thì cây kẹo mút, khi thì bịch bánh tráng tôm. Cho đến một hôm thì

– Tèo.
– Tao tên Hải Minh. Mày gọi tao Tèo hoài vậy?
– Thì tên má mày gọi mày sao tao gọi vậy chứ.
– Kêu tao có gì à?
– Không. Tao sắp đi rồi.
– Đi, đi đâu?
– Tao lên thành phố học.
– ………………..
– Yên tâm, tao đi nhưng sẽ tranh thủ về thăm mày mà. Làm như tao đi luôn không bằng.
– Ai biết được. Sài Gòn đẹp mà sang nữa. Lên đó làm sao mày còn nhớ đến cái nơi khỉ ho cò gáy này nữa.
– Tao không nhớ nơi này nhưng ít nhất tao cũng sẽ nhớ đến mày chứ.
– Bệnh quá.
– Ê. Hỏi thật tao đi mày buồn không?
– Không.
– Thật hả?
– Thật.
– Hahahhahah………Đỡ tốn tiền mua quà cho mày. Ai biểu mày nói không nhớ tao chi.

Nó cười nhưng rồi nó quay lại nhìn thằng bạn nó. Hai dòng nước đang tuôn trào ra nơi khóe mắt của tên nhóc ấy. Nó ngạc nhiên vì nó không thể ngờ thằng bạn nó vốn cứng đầu như vậy mà giờ đây lại khóc như một đứa con gái. Nó bối rối không biết phải làm sao.

– Mày đừng khóc nữa. Tao đùa thôi. Về sẽ mang quà cho mày mà.
– Tao không cần.

Thằng nhóc định bỏ chạy nhưng bị nó kéo lại và ôm chặt vào lòng. Thằng nhóc để yên cho nó ôm và rồi thằng nhóc cũng vòng tay ôm lại nó. Hôm đó cũng là rằm, nhưng không phải rằm tháng tám.

Lời hứa vẫn còn đó nhưng phần vì việc học, phần vì những chuyện linh tinh khác đã cuốn lấy nó và bắt nó phải ở lại vùng đất Sài thành này. Cho đến một ngày kia. Có lẽ là 13 âm lịch chăng? Khi nó nhìn lại đống tập vở cũ, nó thấy được những dòng chữ của thằng nhóc con ấy. Những dòng vẽ bậy vào tập nó và cả những trang caro mà tụi nó đánh với nhau. Nó nhớ lại. Nhớ lại những giọt nước mắt, nó nhớ cả cánh đồng bát ngát ấy, và nhớ những đêm trung thu chúng nó đã ngồi kề bên nhau, chia nhau từng góc bánh nhỏ. Nó nhớ tất cả. Nhớ cả lời hứa mà nó đã lỡ thất hẹn bao năm nay. Nó vội nhìn lên tờ lịch dán trên tường.

“Thời gian cũng trôi qua mau thật. Mới đó mà đã chừng ấy năm trôi qua. Không biết Minh giờ đây sống như thế nào? Đã có vợ con gì chưa? Hay là vẫn……….” Nhưng rồi nó lại mỉm cười chua chát.

Con đường làng quen thuộc dẫn đến một ngôi nhà tranh đơn sơ. Nó gõ cửa. Một người phụ nữ ra mở. Trên tay người phụ nữ ấy là một đứa trẻ sơ sinh. Ra vậy, cậu ấy đã có gia đình rồi.

– Chào chị, cho tôi xin gặp anh Minh.
– Minh nào?
– Minh con dì Năm bán khoai trong xóm này nè. À, hồi mười mấy năm trước.
– Ông có lầm ai không? Tui không biết. Nhà này tui mua lại của người ta mà. Hay là ông tìm chủ cũ của căn nhà.
– Dạ chị cho hỏi vậy chủ cũ ấy có phải tên Minh không chị?
– Để nhớ coi. À, hình như là cái gì nè. À, Hải…….. gì quên mất rồi.
– Hải Minh, là Hải Minh đúng không chị.
– Chắc vậy đó. Cậu ấy bán nhà cho tui. Xong hình như dọn qua xã bên rồi hay sao đó. À, cậu ấy phải là thầy giáo không?
– Dạ cái này thì tôi không biết. Chị có địa chỉ nhà cậu ấy không?
– Làm gì có. Cậu cứ đi đến xã ấy. Cứ nói tìm thầy giáo Minh thì người ta chỉ cho. Ở dưới quê mà làm gì có ai nhớ địa chỉ địa chiếc gì đâu. Làm như ở trên Xì Gòn không bằng.
– Dạ cám ơn chị.
– Con trai Xì Gòn có khác. Ăn nói lịch sự hơn hẳn thằng chồng mình.

Chị ta chép miệng lẩm bẩm vài câu rồi đóng cửa lại.

Tại xã bên.

Nó tìm mỏi cả chân kết cuộc cũng thấy được ngôi nhà nó cần tìm. Một ngôi nhà gạch khá tươm tất nhưng kết cấu lại rất đơn giản. Nó gõ cửa.

– Ai vậy?

Một giọng nói quen thuộc vang lên.

– Khanh nè.
– Ủa.

Cậu ấy vội mở cửa. Thấy nó, cậu ấy ôm chầm lấy. Một lúc lâu cậu ấy mới chịu bỏ nó ra.

– Tưởng chết luôn trên đó rồi chứ?
– Đâu. Có chết cũng phải lết về đây mà. Sao rồi?
– Sao là sao?
– Vợ con sao rồi?
– Một vợ hai con.

Nó biết rõ điều đó mà. Làm gì mà cậu ấy có thể chờ nó đến giờ này được chứ. Mà chờ cũng phải có nguyên do. Mà chờ nó để làm gì chứ?

Nhưng tại sao nó lại cảm thấy đau, đau lắm.

– Tặng nè. Chúc cả nhà trung thu vui vẻ. Hẹn bữa khác tụi mình đi uống cà phê. Chứ giờ trễ rồi sợ làm phiền bà xã.

Nói rồi nó quay lưng bỏ đi.

– Ê đứng lại.
– Sao?
– Hồi đó nói đi là bỏ đi. Bắt tôi chờ mười mấy năm trời, giờ mới tới mà đòi bỏ đi như vậy hả?
– Nhưng trễ thế rồi sợ làm phiền hai cháu của Minh thôi.
– Ông khờ. Vô nhà đi.

Nó bước vô nhà. Căn nhà bên ngoài nhìn đã đơn giản, bên trong nội thất càng đơn giản hơn nữa. Nhưng nhìn đi nhìn lại cũng không giống như nhà có con nít.

– Con Minh đâu cả rồi?
– Không biết nữa.
– Giỡn à?
– Ừ. Cho đáng đời.

Nó tức đến đỏ cả mặt trong khi tên nhóc ấy thì ngồi cười rũ rượi. Nó lao đến đè tên nhóc ấy xuống sàn và như hồi bé. Hai đứa ôm nhau vật lộn. Tất nhiên nó không dám mạnh tay với tên nhóc ấy nhưng vì nhỏ người hơn nên tên nhóc con ấy lúc nào cũng thua. Nó được nước lấn tới chọc lét tên nhóc ấy.

– Thua thua mà. Đừng giỡn nữa.
– Ai giỡn trước?
– Thì ai kêu bắt người ta chờ từng ấy năm. Như vậy là đáng rồi.
– Minh chờ Khanh à?

Nó nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy của tên nhóc ấy. Tên nhóc của ngày xưa giờ đã là thầy giáo mất rồi. Đôi mắt ấy nhìn nó và dường như trong sự sâu thẳm ấy vẫn còn đâu đó những hạt nước rất mỏng manh, là sương mai hay là mưa? Nó không kiềm lòng được và đã hôn lên nơi khóe mi ấy.

– Ê ông làm gì vậy?

Cậu la lên.

– Hôn người tôi yêu.
– Bệnh quá. Đi ra.

Cậu nhìn nó cười và thụi cho nó một quả ngay ngực. Tất nhiên cậu chỉ đánh nhẹ thôi. Nhưng nó làm bộ như đau đớn lắm và nó ôm ngực nhìn cứ như là sắp chết ấy. Công nhận cậu là một người dễ bị gạt, hay nên nói là khờ nhỉ? Cậu hoảng hốt chạy vội lại đỡ lấy nó và rồi cậu lại bị lợi dụng. Nó hôn cậu. À, hôn môi đấy. Nụ hôn đầu tiên của cậu và nó. Tất nhiên cậu vội đẩy nó ra vì cậu không ngờ nó dám to gan vậy. Cậu thề kì này sẽ đạp tên đáng ghét chết tiệt này ra ngoài cửa.

– Giận hả nhóc?
– Đồ lợi dụng, đồ ……………..
– Biết rồi. Nhưng tối nay cho tôi ở lại với cậu nhé.
– Không cho.
– Nè cậu giận thiệt hả?
– Hứ.
– Trẻ con.
– Nói ai đó?

Cậu quay mặt lại và nó đút vội một góc bánh trung thu vào miệng cậu.

– Đừng giận nữa nhé.
– Thấy ghét.

Tất nhiên cậu không giận nó. Không bao giờ cậu giận nó cả. Chỉ là cậu muốn làm nó lo lắng, làm cho nó phải nghe lời cậu thôi. Mà lần nào cũng công hiệu cả.

Tối đó hai người ngồi ngoài sân cùng ăn bánh, uống trà và ngắm chị Hằng. Họ nhắc lại những chuyện đã qua vì với họ thời gian dường như đang ngưng đọng ngay trong giây phút này.

– Giờ Minh tin có Hằng Nga chưa?
– Chắc có.
– Sao giờ lại tin vậy?
– Vì Hằng Nga đã nghe lời cầu xin của tui mà đem ai đó về đây. Chứ không thì ai kia quên mất tui rồi.
– Đâu dám quên đâu. Lúc nào cũng nhớ cả nhưng vì bận rộn nên giờ này mới về được.
– Thật không?
– Thật mà.
– Xạo thì như thế nào?
– Nếu Khanh nói xạo thì cho Minh hôn Khanh đó.
– Đi chết đi.

Trăng vẫn tròn và sáng như đang có ý muốn cầu chúc cho họ.
Có một nhạc sĩ đã từng viết rằng “Từ khi trăng là nguyệt”. Phải, từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui, từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời.

Hết.


Bình chọn

Average rating 0 / 5. Vote count: 0

Để lại lời nhắn