Chuỗi ngày mộng mơ-chương 1

5
(2)

Như loài hoa mang tình yêu, em từ nơi xa xăm bay về
Bên đời anh, âm thầm trôi, âm thầm em mang nhiều chua cay

Có không anh, thấy mắt em khóc trong đêm những dòng lệ tràn
Trên khoé môi ….

Tôi với tay tắt ti vi. Không gian trở lại yên tĩnh như lúc ban đầu của nó.

Tôi đang ngồi một mình trong phòng của mình với tờ giấy báo trượt đại học. Bên ngoài mọi người đang chuẩn bị tiệc mừng anh trai tôi vừa tốt nghiệp trường y ra. Anh tôi tốt nghiệp loại giỏi. Mẹ tôi có lẽ đang rất vui mừng chuẩn bị sẵn thức ăn và những thứ cần thiết khác để chiều nay bà sẽ thêm phần hãnh diện khi đứng bên cạnh cậu con trai tài năng của bà.

Cuộc đời thường là thế đấy. Thường thì gia đình nào được một đứa cũng hỏng một đứa. Gia đình tôi không ngoại lệ. Anh tôi tài năng, đẹp như tài tử… Và luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý. Còn tôi? Tôi là một kẻ tầm thường như bao kẻ tầm thường khác. Tôi là sự thất vọng của cha mẹ tôi, là cái kẻ dù có hay không cũng không ảnh hưởng gì đến sự tồn vong của loài người.

Tên tôi là Đỗ Trịnh Tâm, năm nay tôi mười chín tuổi. Còn anh tôi là Đỗ Trịnh Hoàn. Tuy chỉ khác nhau có một chữ nhưng sao cuộc đời chúng tôi khác xa nhau quá.

– Lại ngồi mơ mộng nữa rồi à?
– Anh hai.

Anh tôi nhẹ nhàng bước vào. Anh ngồi phịch xuống giường, mắt lơ đễnh nhìn về phía tấm màn sáo.

– Thật không hiểu sao mày lại giống con gái thế không biết? Còn bày đặt để màn sáo nữa.
– Màn sáo không phải chỉ có con gái mới thích để. Đây là loại màn sáo làm bằng trúc. Ngày xưa chỉ có những bậc hiền sĩ mới dùng màn sáo thôi.
– Thôi được rồi. Dừng lại đi thi nhân. Tôi chán nghe cái lí lẽ của cậu lắm.

Anh lắc đầu chọc quê tôi. Nhưng tôi biết anh không có ý xấu trong câu nói của mình. Anh thường như vậy.

– Mày vẫn muốn thi vào ban C sao?
– Không anh à.

Tôi còn nhớ cái câu nói của mẹ tôi khi thấy tôi đăng ký vào ban C.

“Mày ngu hả con? Trời ơi. Người ta đi chạy chọt để có được mảnh bằng bác sĩ, kĩ sư. Còn mày lại đi đâm đầu vào cái ban mà người ta bỏ. Trời ơi tại sao tôi lại đẻ ra một thằng con không biết suy nghĩ nè trời.”

Hiện giờ thì tôi đã không màn đến việc thi đại học nữa. Không phải là tôi đã nản sau tất cả những gì xảy ra. Nhưng dường như trong tôi đã bắt đầu nảy ra một khao khát tự do, khao khát được sống theo cách của mình mà không bị ai ngăn trở. Trong tâm trí tôi bắt đầu muốn lên một kế hoạch để có thể bỏ đi thật xa mà kiếm sống và để khám phá nhiều hơn về thế giới rộng lớn này.

– Hoàn ơi, anh xuống bác gái gọi nè.

Là Thư. À không, tôi phải xưng là chị mới đúng. Chị Thư lớn hơn tôi hai tuổi. Chị là thanh mai trúc mã với anh Hoàn. Phải nói sao nhỉ? Là cặp tiên đồng ngọc nữ thời hiện đại.

– Anh Hoàn ơi.

Lại một giọng con gái khác. Kì này là chị Ngọc. Chị ấy cũng là bạn của anh Hoàn. Nhưng chị ấy không đẹp cũng như không thân với gia đình chúng tôi như chị Thư.

– Anh xuống ngay đây.

Anh hai nói vọng xuống. Rồi nhanh chóng anh rời khỏi chỗ ngồi và quay lưng đi. Nhưng bỗng anh quay lại nhìn tôi.

– Đừng buồn nữa nhóc. Rồi em cũng làm được mà.
– Em không buồn chuyện này đâu anh à.

Tôi lắc đầu.

– Anh xuống mau đi để mọi người chờ kìa.
– Ừ.
– À, anh hai nè.
– Sao?
– Màn sáo của em đẹp không?
– Ừ đẹp.

Anh tôi quay nhanh đi.

Tôi biết anh đang nói dối cho tôi vui. Anh nghĩ tôi ngốc lắm sao mà không biết? Anh có bao giờ chịu quan sát xem những cái gì đang xảy ra xung quanh tôi đâu. Anh lại càng không để tâm đến những thứ vớ vẩn như thế này.

Rớt đại học là một chuyện dễ dàng đoán được ở tôi. Thật ra khi tôi thi vào kinh tế tôi đã nghĩ liệu mình học xong ra sẽ làm gì? Giữa hàng trăm hàng vạn cử nhân như hiện nay thì mảnh bằng của tôi liệu đã là gì so với họ.

Nhưng tôi đi thi vì muốn cha mẹ tôi vui. Tôi đi thi là vì cái gia đình đầy tự tin và tự cao của mình.

Và có lẽ tôi đi thi cũng vì Thư. Thư ngày nào cũng qua nhà kèm tôi học. Tôi đoán chị ấy muốn gặp anh tôi thì đúng hơn. Tin tôi rớt chắc Thư buồn lắm. Biết bao công sức Thư đã đổ ra. Vậy mà…

Có tiếng huyên thuyên của các bà bạn của mẹ. Họ nói chuyện đủ to để tôi có thể nghe thấy. Vậy là họ cũng tới rồi. Chắc là buổi tiệc sắp bắt đầu. Thời gian qua mau quá.

Tôi ngán ngẫm nhìn về phía cửa sổ nơi có tấm màn sáo của mình. Từng hạt lớn nhỏ chảy dọc xuống. Tôi có cảm giác nó như những giấc mơ của con người. Giấc mộng lớn, giấc mộng nhỏ… Từng chuỗi từng chuỗi kết nối đan xen nhau cho tới khi người đó nhắm mắt lìa đời.

Sống không mơ mộng thì làm sao mà sống được nhỉ? Nhiều khi tôi tự hỏi mình điều đó. Dù rằng khi nói ra cái này nghe có vẻ như tôi thiếu ý chí và con gái lắm. Nhưng nếu cuộc sống này quá khắc nghiệt với bạn thì bạn sẽ làm cách nào để đối mặt hằng ngày với nó nếu bạn không nghĩ rằng ở một thế giới khác, ở một nơi khác vẫn có người cần sự tồn tại bạn.

Hương thịt nướng bắt đầu bay vào phòng tôi. Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi bắt đầu cảm nhận được cái đói đang hoành hành.

Tôi có một tật xấu là hễ khi đói tôi rất dễ bị hạ đường huyết. Chính vì thế hồi năm tôi lớp năm giữa lúc kiểm tra tôi bị xỉu. Thầy giáo tôi khi đưa tôi trả về nhà kèm theo đó là cái nhìn ái ngại với cha tôi. Ông cho rằng hành động run tay chân của tôi trong giờ làm bài là một hành động của bệnh tâm lý hay thần kinh gì đó. Ông cho rằng tôi không đủ khả năng làm được bài của mình nên mới có những thái độ như vậy.

– Tâm sao không xuống nhà con?
– Dạ không. Con mệt lắm ba.
– Haha vậy có cần ba đem hai dĩa cơm nguội lên đây cho cha con mình cùng ăn không?
– Dạ. Con cũng đang đói đây.

Tôi nhìn ba cười thật tươi.

Chỉ có ba là lúc nào cũng ủng hộ mọi quyết định của tôi. Ba vẫn coi tôi như con ngoan của mình dù tôi là một kẻ thất bại. Tôi thương ông nhiều lắm.

Nhưng có lẽ cơn đói đã kéo tôi quay về với hiện tại.

– Ba nè. Hay cha con mình cùng xuống nhà nha.
– Sao vậy? Không ở đây buồn nữa hả nhóc?
– Dạ. Đói quá thì tự động buồn phiền cũng tiêu tan.
– Hahaha ok vậy mới là đàn ông chứ.

Ba tôi quay ra cửa và nói lớn.

– Ba xuống nhà dặn chị Tư chuẩn bị thêm đồ ăn. Chứ không thôi chút nữa sẽ có kẻ ngồi ăn cơm nguội mất.
– Dạ.

Tôi quay nhanh vào nhà vệ sinh để rửa mặt. Tôi nhìn vào gương.

Một gương mặt trắng bệnh hoạn khác hẳn với màu da nâu đồng khỏe mạnh của anh hai, một đôi mắt đầy nét sợ hãi và yếu đuối, một cái cằm thon chứ không vuông như của đàn ông.

Thôi quá đủ để so sánh rồi. Nếu không tự phấn chấn lên thì mình sẽ gục ngã mất.

Tôi không thèm thay đồ mà chỉ khoác thêm cái áo ghi lê bên ngoài. Tôi cố tình không bỏ áo vô quần như những vị khách lịch sự khác. Dù gì thì tôi cũng chẳng có vẻ gì là hợp với cái tác phong chuyên nghiệp ấy cả.

Trái với những gì tôi nghĩ lúc ban đầu. Hôm nay nhà tôi đông khách quá. Khách tràn ra cả ngoài vườn dù rằng phòng khách của nhà tôi khá lớn.

Đám người trẻ bằng tuổi tôi thì đang vây quanh anh trai tôi để chúc mừng. Họ là những người trẻ trung đầy mơ mộng và nhiệt huyết. Nhưng có lẽ họ đang kháo nhau xem liệu chị Thư hay chị Ngọc sẽ là chị dâu tương lai của tôi.

Nghĩ đến đó bỗng tim tôi đắng nghét.

Thư. Liệu Thư có còn muốn nhìn mặt kẻ thất bại như tôi không?

Tôi rảo mắt nhìn quanh để tìm Thư.

Kia rồi. Thư đang đứng bên cạnh anh trai tôi. Thư đang cười một cách vui vẻ và đang đập mạnh vào vai của anh tôi. Trông họ xứng đôi quá.

Tôi lao nhanh về phía bàn tiệc để lấy hai đĩa thức ăn. Hôm nay là tiệc đứng nên mọi người phải tự phục vụ cho mình. Càng tốt. Tôi cũng không muốn bắt gặp ánh mắt thương hại của ai khác dành cho mình nữa. Tôi sẽ lấy thật nhiều để rồi trốn ra một góc khuất mà thanh toán hết.

Góc khuất tôi chọn là sân sau của nhà tôi. Có ai nói tôi đang sống ở một căn nhà sang trọng chưa? Nếu chưa thì bây giờ mọi người đã biết rồi đấy. Nhà tôi giàu. Ba tôi là doanh nhân còn mẹ tôi là nội trợ. Ngày xưa ba tôi từng làm giáo viên nhưng vì không đủ tiền để lo cho cả một đoàn tàu há mỏ nên ông quyết định đổi nghề.

Nhưng có vẻ việc kinh doanh cũng phù hợp với ba tôi lắm. Ông nhanh chóng tạo dựng tên tuổi trên thương trường. Dù công ty của ông không lớn nhưng cũng đủ làm cho cuộc sống của chúng tôi no đầy mỗi ngày rồi.

Thôi không nghĩ về ông nữa. Tôi thì làm sao mà sánh kịp với những bậc vĩ nhân của gia đình này?

Tôi ăn ngấu nghiến hai đĩa thức ăn chỉ trong vòng mười lăm phút. Một kỉ lục mới sắp được lập ra chăng?

– Có vẻ như cậu bé đang rất đói?
– Anh là ai?

Tôi gắt gỏng nhìn về phía bóng đen ấy. Có vẻ như hắn đã quan sát tôi từ lúc nào rồi. Quên mất cả phép lịch sự thông thường để chào hỏi. Tôi sẵng giọng.

– Anh là ai vậy?
– Là một vị khách của gia đình này. Mà hình như cậu bé cũng thế. Nhưng tại sao gia đình này lại có thể để cho một vị khách dễ thương như vậy ở đây một mình nhỉ?

Tôi ngớ người ra trong giây lát để rồi ngay khi hiểu chuyện tôi bật cười một cách ngớ ngẩn. Thì ra hắn ta lầm tưởng tôi là một vị khách mời như hắn. Có vẻ con người này khá là thú vị đấy chứ.

– Cậu bé có muốn uống chút gì không?

Hắn đưa ly nước ngọt cho tôi. Tôi cầm vội lấy mà quên cả phép lịch sự cảm ơn. Tôi uống một hơi hết cả ly để rồi sau đó tôi nhận ra là mình đã quá vô phép. Tôi vội vàng gật đầu mỉm cười.

– Cám ơn ông nhiều.
– Được giúp cậu bé là niềm vinh hạnh cho tôi.

Hắn ta khẽ khom người xuống đáp lễ. Một điệu bộ cực kì đỏm dáng. Lúc này tôi mới nhìn kĩ hắn hơn. Hắn khá điển trai đấy. Có khi nếu so với anh tôi thì hắn có phần hơn nữa. Nhưng tôi chẳng quan tâm để so sánh mình với hắn. Đã quá đủ để so sánh với một ngôi sao rồi.

– Có vẻ như cậu bé đang có chuyện buồn?
– Ừ. Ai mà không có. Mà ông hỏi làm gì? Tôi có quen biết ông đâu.
– Thì tôi cũng có quen cậu đâu.
– Vậy tại sao ông lại nói chuyện với tôi?
– Trời ạ. Vậy không lẽ tôi không quen khách hàng của tôi thì tôi cũng không có quyền nói chuyện hay tiếp xúc với họ à?
– Ừ. Có lẽ vậy.
– Thật là một cậu bé kì lạ.

Ông ta nhìn tôi nở một nụ cười như khiêu khích.

– Tôi hút thuốc được không?
– Không.
– Cậu bé khó tính thật đấy.

Ông ta bỏ điếu thuốc lại vào trong bao. Dường như đó là một loại thuốc ngoại nhập. Tên thuốc lạ quá. Mà cái hộp quẹt ga của ông ta nhìn cũng thích mắt nữa. Trông nó sáng bóng như được mạ bạc vậy.

– Cậu bé thích quan sát người khác quá nhỉ?
– Còn ông thì thích nhận xét.

Ông ta nhìn tôi cười một cách thích thú. Lúc này tôi nghe tiếng gọi.

– Đông Hạo. Sao ra đây thế?
– Ủa chú Châu?

Tôi cúi đầu chào chú. Chú Châu là bạn làm ăn của ba tôi. Tính chú ấy rất hào hiệp và nghĩa khí chứ không như những thương gia mới nổi bây giờ.

– Chào con. Lâu rồi không gặp. Con lớn quá chừng.
– Vậy đây là?

Ông ta nhìn tôi ngạc nhiên.

– Là Đỗ Trịnh Tâm, con trai thứ của gia đình này. Hân hạnh được biết…

Tôi nhìn chú Châu như để dò ý. Chú Châu mỉm cười giới thiệu.

– Đây là em trai chú. Tên Trịnh Đông Hạo. Em trai chú mới từ Châu Âu về.
– Dạ vậy con cũng phải gọi ông là chú rồi.
– Không cần thiết đâu cậu bé.

Ông ta nhìn tôi mỉm cười.

– Tôi quen cách xưng hô không phân biệt vai vế như bên Mỹ rồi. Cậu có thể gọi tôi bằng tên nếu muốn.
– Dạ. Vậy thì anh Hạo.
– Hahaha

Anh ta cười lớn khiến cho chú Châu phải bực mình.

– Chú mày mất gốc quá rồi.
– Những cái gì nên giữ thì phải giữ. Còn những cái gì nên bỏ để có thể tiến bộ hơn thì tại sao lại phải giữ? Nếu như người Hoa vẫn còn giữ khư khư cái đuôi sam của mình thì làm sao Trung Quốc ngày nay có thể đi lên được như vầy?
– Chào thua với chú mày luôn.

Chú Châu lắc đầu nhưng vẫn cười. Rồi chú ấy bỏ vào trong. Có lẽ chú ấy đã nguôi giận?

Nhưng đúng là lý lẽ ấy không thể cãi được.

– Cậu bé cười rồi à?
– Anh thật là một con người kì lạ.
– Kì lạ lắm sao?
– Phải.

Anh ta nhìn tôi một cách tỉ mỉ. Rồi bỗng anh ta buông lời nhận xét.

– Cậu bé thật đáng yêu.
– Anh đang đùa à?
– Không. Nói thật đấy.
– Vậy thì tôi cho anh biết nhé. Tôi là con vịt xấu xí ở trong một căn nhà toàn là thiên nga. Tôi là niềm bất hạnh của gia đình, là nỗi nhục nhã của cha tôi…

Anh ta giơ tay lên can tôi lại.

– Không ai nghĩ thế cả đâu cậu bé à. Chính vì việc gặp cậu mà tôi cảm thấy mình đã không phí phạm thời gian khi đến dự buổi tiệc này.
– Vậy à?

Tôi lơ đễnh nhìn ra xa.

– Vậy thì vịt con xấu xí đã có ý định vào dự tiệc chưa?
– Chưa. Nhưng có lẽ nếu tôi còn ở đây thì sẽ cản trở cuộc vui của anh nhỉ?
– Không đâu.

Anh ta lại cười. Nụ cười đó khiến tim tôi ấm lại.

– Thôi mình vào nhà đi.
– Ừ.

Anh ta đưa tay đỡ tôi đứng dậy. Tôi khẽ nhăn mặt vì nãy giờ ngồi xổm lâu quá nên chân tôi đã tê cứng lại. Anh ta dìu tôi như chàng hoàng tử đang dìu nàng công chúa vậy. Nghe có vẻ ngu ngốc quá chừng.

Lớp cửa kiếng cách âm mở ra và tiếng nhạc xậm xình lại nổi lên.

Âm thanh không to đến nỗi như ở vũ trường nhưng nó làm tim tôi bỗng chốc lại rộn lên theo một điệu nhạc vui. Vào đến trong thì tôi và anh tách ra hai hướng. Anh hòa vào đám bạn lớn tuổi của cha tôi. Họ có vẻ thích thú khi được anh gật đầu chào. Họ không ngừng đưa tay để bắt lấy tay anh.

– Tâm.
– Dạ.

Tôi ngoan ngoãn bước lại gần chị Thư. Lúc này chị đang đứng cạnh mẹ tôi. Vậy là tôi lại sắp nghe ca cổ nữa rồi.

– Con mau chào hai bác đi.
– Dạ con chào hai bác.

Tôi cúi chào một cách lễ phép. Tôi biết họ. Họ là cha mẹ của Thư. Nhìn họ còn khá trẻ mà còn đẹp nữa. Thảo nào họ lại sinh ra một cô con gái xinh xắn như Thư.

– Thật ngại quá anh chị à. Thằng con ngu ngốc này của tôi đã làm phụ lòng con bé Thư nhà mình. Uổng công nó đã đến dạy vậy mà con tôi vẫn…
– Thôi đi chị à. Chị đừng buồn quá. Thường thói đòi là vậy đấy chị. Nhà tôi cũng thế. Con Thư xinh đẹp hiền lành bao nhiêu thì con Thảo lại ngang bướng cứng đầu bấy nhiêu. Một đứa thông minh thì phải có một đứa ngu dốt lại để bù trừ chứ chị.
– Nga. Em uống say quá rồi đó.

Bác Hiền đưa tay che miệng vợ. Lúc này tôi mới thật sự cảm thương cho Thảo. Cô bé mới mười lăm tuổi mà đã phải đi học đàn piano, học vẽ tranh, học hát,… Và học hàng trăm thứ khác nữa chỉ để bằng được cô chị giỏi giang của mình.

Tại sao số phận của những ngôi sao khi đứng cạnh mặt trăng lại phải khổ sở đến như vậy?

Tôi ghét cái ánh mắt thương hại mà những bà bạn của mẹ dành cho tôi. Lúc này đây, tôi cảm thấy ngộp ngạt hơn bao giờ hết.

– Con xin phép.

Tôi khẽ cúi đầu rồi quay nhanh đi. Bỏ lại sau lưng ánh mắt khó chịu của mẹ tôi. Và còn ánh mắt của Thư nữa.

– Tâm.
– Dạ?
– Con đem cái máy ảnh đặt trên giá sách nơi phòng làm việc của ba xuống đây. Ba muốn cho các chú các bác ở đây được chiêm ngưỡng.
– Dạ vâng.

Ba tôi tuy là một doanh nhân nhưng ông còn có một sở thích khác nữa là chụp ảnh. Những bức ảnh của ba tôi đã có lần được đem đi triển lãm rồi. Tuy thế nhưng ba tôi xác định rõ là chuyện chụp ảnh chỉ là thú vui thôi nên ông không màn đến chuyện tiền thưởng sau mỗi lần triển lãm. Ông đem nó đi làm từ thiện hết.

Tôi cầm chiếc máy ảnh xuống cho ba. Ba bắt đầu cắm đầu chiếu vào chiếc máy vi tính. Tôi biết ba lại sắp ca bài ca con cá:” Tôi chụp bức ảnh này ở đâu, lúc nào, tâm trạng tôi lúc đó ra sao, những điều khiến tôi rung động để có thể chụp được bức ảnh này là….” Tôi cứ phải nghe mãi nên đã thuộc từ lúc nào rồi.

Tôi lẩn đi đằng khác. Có lẽ tôi lại cần một không giang riêng cho mình nữa rồi đây. Nhưng tiếc là giang sơn của tôi lại bị kẻ lạ mặt ban nãy đến quấy nhiễu nữa.

– Cha cậu đúng là một nhiếp ảnh gia đại tài.
– À, ủa anh xem xong hết rồi sao?
– Chưa chỉ xem qua vài bức thôi. Đẹp lắm.
– Ừ.

Tôi đã quá ngán ngẩm trước những thứ đó rồi. Cái tôi muốn lúc này không phải là những thứ xinh đẹp ấy mà chỉ là một ánh mắt chia sẻ từ một người.

– Cậu út của nhà này có vẻ có nhiều tâm sự quá nhỉ?
– Thế còn anh? Tại sao lại đi nói chuyện với cái kẻ dở người này?
– Dở người sao? Tôi không nghĩ thế. Tôi thấy cậu bé có những nét rất nổi bật đấy chứ. Nhất là khi đứng giữa một đám người chỉ toàn nghĩ đến công danh và tiền bạc.

Tôi cười khảy. Thật sự con người này lúc nào cũng đem lại cho tôi cảm giác dễ chịu cả. Kì lạ là dù tôi mới gặp anh lần đầu nhưng tôi lại cho rằng anh là người tốt. Nghe có vẻ ấu trĩ và trẻ con quá đúng không?

– Tôi vừa thi rớt đại học.
– Thì sao?

Anh mở to mắt ra vẻ ngạc nhiên.

– Thì sao là sao? Thì rớt chứ sao. Rớt và chấm hết. Hoặc là ôn thi lại. Hoặc là kiếm nghề lao động gì đó để làm.
– Ai dạy cậu tư tưởng bi quan thế nhỉ?

Tôi nhìn anh dò xét. Phải chăng anh lại sắp thuyết giáo cho tôi nghe?

– Cuộc đời mỗi con người luôn có nhiều ngã rẽ. Có khi những ngã rẽ đó sẽ không theo ý mình nhưng chính điều đó mới khiến mình trưởng thành. Sau này ra ngoài xã hội cậu bé sẽ còn thấy nhiều.

Anh không phải thuyết giáo mà là đang tâm sự với tôi như hai người đàn ông. Tôi mỉm cười.

– Ừ. Thật lòng mà nói thì tôi cũng không buồn khi tôi rớt kinh tế. Rõ ràng là tôi không có khiếu về chuyên ngành này.
– Vậy cậu bé thích ngành nào?
– Tôi thích viết lách. Nhưng cái này không thực tế.

Tôi khẽ lắc đầu.

– Tại sao không thực tế? Chẳng phải đã có rất nhiều những nhà văn nổi tiếng đó sao? Từ đó đến nay chúng ta đọc và luôn biết ơn vì họ đã viết ra những điều mà người bình thường như tôi dù có muốn cũng không thể làm được.
– Nhưng tôi không phải là họ.

Tôi lại cười. Lạ thật. Ở gần con người này tôi hay cười quá.

– Không. Cậu bé sẽ làm được. Tôi tin như vậy.

Anh nhìn tôi. Ánh nhìn thẳng và đầy sức mạnh từ mắt anh khiến tôi thêm vững lòng tin ở chính mình.

– Thế cậu định khi nào sẽ thực hiện mơ ước của mình?
– Mơ ước gì?
– Làm nhà văn.
– À, không thể đâu.
– Tại sao?
– Vì nếu tôi làm nhà văn thì tôi sẽ chết đói.
– Lại một câu nói cậu học được từ cha mẹ mình phải không?
– Sao anh biết?
– Vì những người trẻ thường rất giàu nhiệt huyết. Hiếm khi nào họ lại nhìn thấy những mặt trái của một vấn đề. Có lẽ vì thế nên họ dễ tạo nên những thứ kì tích mà những người già như chúng tôi dù muốn cũng không thể làm được.
– Anh mà già sao? Ủa mà anh mấy tuổi rồi?
– Hahaha

Có vẻ như câu nói đơn thuần của tôi đã trở thành một câu nói đùa thật dí dỏm đủ khiến người bên cạnh tôi bật cười.

– Tôi năm nay nữa là ba mươi ba tuổi.
– Quả như tôi đoán.
– Cậu đoán sao?
– À, anh không già, không trẻ. Cũng chừng cỡ ba mươi mấy.
– Ừ.
– Anh nghĩ tôi nên đi theo mơ ước của mình sao?
– Ừ. Cuộc sống này là của cậu. Cậu nên học cách tận hưởng nó. Đừng để người khác quyết định tương lai cho mình. Hay để tôi làm đôi cánh nâng bước chân thiên sứ nhé.

Câu nói cuối anh ta đã mô phỏng giọng của một kép hát. Và điều đó khiến tôi không nhịn được cười.

– Hahaha
– Tại cậu bé không biết chứ khi cậu bé cười nhìn đẹp lắm.
– Này anh, tôi không phải con gái cho nên anh khỏi tán tôi bằng mấy câu đó. Tôi không thể đem thân mình để đền đáp cho anh đâu.
– Hahaha biết đâu được.

Cả tôi với anh đều cười. Chúng tôi đang nói đùa cả đấy. Nhưng có lẽ nếu người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ chúng tôi biến thái cũng nên.

Bình chọn

Average rating 5 / 5. Vote count: 2

Để lại lời nhắn